Khoai lang là loại thực phẩm được nhiều người lựa chọn trong thực đơn giảm cân, thậm chí còn ăn thay cơm vì cho rằng rất bổ dưỡng lại ít gây tăng cân. Tuy nhiên nếu bạn mắc phải những sai lầm dưới đây khi ăn khoai lang thì còn gây béo hơn so với ăn cơm.
Về mùi vị, dù nướng hay luộc, khoai lang đều rất thơm ngon. Không chỉ vậy, khoai lang còn được đánh giá là thực phẩm tốt cho sức khỏe, phòng ngừa ung thư và đặc biệt với chị em phụ nữ muốn giảm cân, khoai lang được xem là “chân ái’. Nhiều người khi muốn giảm bớt cân nặng đã chọn cách ăn khoai lang thay cơm vì cho rằng khoai lang ngon bổ hơn mà lại không gây béo, nhưng thực tế khoai lang và cơm, loại nào bổ hơn?
Khoai lang giàu dinh dưỡng hơn cơm nhưng không ngon bằng
Khoai lang và gạo chứa các chất dinh dưỡng chính là carbohydrate (thường được gọi là tinh bột), chứa một lượng nhỏ protein và rất ít chất béo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100g gạo trắng có khoảng 130 calo, 28g carbohydrate, 2,7g protein, 0,3g chất béo, 0,4g chất xơ và một số chất khác. Còn trong 100g khoai lang sống chứa: 86 calo, 20g carbohydrate, 1,6g protein, 3g chất xơ.
Nhìn về hàm lượng dinh dưỡng, khoai lang ít calo, ít carbohydrate mà lại nhiều chất xơ, không có chất béo như gạo trắng nên ăn khoai lang tốt hơn ăn cơm.
Hơn nữa, do quá trình chế biến sẽ làm mất chất dinh dưỡng, thực phẩm “thô” thường bổ dưỡng hơn thực phẩm “tinh chế”, nên ăn khoai lang sẽ giữ được nhiều chất hơn cơm nấu từ gạo trắng (đã loại bỏ mầm và lớp cám gạo).
Mặc dù bản thân khoai lang giàu dinh dưỡng hơn gạo trắng, nhưng khi xem xét thói quen tiêu thụ thực tế, khoai lang thường chỉ được ăn một mình, còn cơm được kết hợp với các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như thịt và rau. Do đó, xét từ góc độ một bữa ăn, chế độ ăn với cơm sẽ tốt hơn chế độ ăn bằng khoai lang về mặt cân bằng dinh dưỡng.
Ăn khoai lang sai cách dễ gây tăng cân hơn ăn cơm
Bạn cần phải lưu ý một số điều sau, nếu không, ăn khoai lang thậm chí còn gây béo hơn ăn cơm:
Mặc dù bản thân khoai lang đã bổ dưỡng nhưng một củ khoai lang nướng 200g cũng tương đương một bát cơm. Nên nếu ăn nhiều thì tác động cũng tương tự như cơm.
Một số người dù không ăn khoai lang thay cơm nhưng lại ăn sau bữa cơm, điều này cũng không tốt. Vì khoai lang và cơm đều giàu tinh bột, được coi như một loại thực phẩm chủ yếu trên bàn ăn, nên tất nhiên nó được ăn như một bữa ăn chính. Do đó, không nên ăn khoai như đồ ăn nhẹ sau bữa ăn.
Nếu bạn thực sự thích ăn khoai hoặc muốn ăn khoai sau khi ăn bữa chính, bạn nên giảm lượng thức ăn chính (cơm) trước đó để không bị dư thừa năng lượng giống như 2 lần ăn cơm.
Ngoài ra các món ăn vặt từ khoai lang như khoai lang sấy, khoai lang chiên, khoai lang viên… thường kèm theo nhiều chất béo và đường. Nếu ăn những món khoai lang kiểu này sẽ khiến chúng ta tiêu thụ quá nhiều dầu và sẽ làm giảm đáng kể lợi ích của khoai đối với sức khỏe. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ béo phì.
Một số trường hợp cũng cần tránh ăn nhiều khoai lang như người mắc bệnh thận vì khoai lang có nhiều kali, những người thận yếu khó loại bỏ kali dư thừa. Người có hệ tiêu hoá kém, hay chướng bụng cũng nên hạn chế, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi trướng bụng.