Sau khi nặn mụn, nếu bạn chăm sóc da đúng cách thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng sưng viêm, thâm sẹo hay mụn cũ tái phát.
Thực chất việc nặn mụn (hay lấy nhân mụn) dù là tại các spa chuyên nghiệp hay ở nhà cũng sẽ gây ra những tổn thương trên bề mặt da, làm da mặt dễ bị kích ứng, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào vết thương. Do đó, tham khảo những gợi ý bên dưới sẽ giúp bạn có ngay một quy trình chăm sóc da sau khi nặn mụn đúng cách, tránh xảy ra tình trạng sưng viêm.
Phương pháp chăm sóc da sau khi nặn mụn
1. Làm sạch da mặt
Bạn tuyệt đối không nên rửa mặt ngay sau khi nặn mụn. Bởi lẽ, sau khi lấy nhân mụn sẽ có một lượng huyết tương được tiết ra nhằm đóng miệng vết thương hở cho máu không chảy ra ngoài. Lúc này, nếu bạn rửa mặt ngay thì sẽ làm trôi đi lượng huyết tương, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Thời gian lý tưởng nhất để bạn rửa mặt là khoảng 2 – 3 tiếng sau khi nặn mụn. Đồng thời, bạn nên rửa mặt bằng nước muối sinh lý hoặc sữa rửa mặt có độ pH từ 5 – 5.5 là tốt nhất.
2. Làm dịu da
Làm dịu da, làm lành các vết sưng đỏ là bước tiếp theo mà bạn cần thực hiện sau khi làm sạch da. Bạn nên chọn những nguyên liệu tự nhiên như nha đam hay nghệ,… giúp da trở nên dịu nhẹ, giảm nguy cơ viêm nhiễm và thúc đẩy làm lành vết thương hiệu quả.
Cách sử dụng nha đam để làm dịu da sau khi nặn mụn như sau:
– Rửa sạch 1 nhánh nha đam, sau đó cắt rồi tách lấy phần thịt bên trong.
– Bôi trực tiếp nha đam lên vùng da bị tổn thương sau khi nặn mụn.
– Rửa mặt sạch với nước ấm.
Cách sử dụng nghệ để làm lành các vết sưng đỏ sau khi nặn mụn như sau:
– Lấy một ít nghệ tươi rửa sạch, giã nát, lấy nước cốt.
– Thoa nước cốt nghệ lên những vùng da bị tổn thương.
– Rửa mặt sạch với nước ấm.
3. Trị thâm và sẹo sau khi nặn mụn
Đây là bước khá quan trọng trong quá trình chăm sóc da sau khi nặn mụn vì khi chăm sóc không kỹ sẽ để lại các vết thâm, sẹo trên mặt gây mất thẩm mỹ. Sau khi nặn mụn khoảng 1 ngày, da sẽ bớt sưng đỏ và bắt đầu quá trình hồi phục. Lúc này chính là thời gian vàng để bạn sử dụng các sản phẩm đặc trị làm lành vết thương có chứa vitamin C, arbutin, kojic acid, collagen, các chất làm dịu tự nhiên,…, thúc đẩy quá trình tái tạo da mới, mang lại làn da mịn màng, tươi trẻ.
4. Dưỡng ẩm da với những loại kem có thành phần dịu nhẹ
Để giúp da đủ độ ẩm và căng bóng, khỏe mạnh, bạn không nên bỏ qua bước dưỡng ẩm. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý sử dụng những loại kem dưỡng ẩm thích hợp, có chứa các hoạt chất làm dịu da, kháng viêm để giúp da nhanh chóng phục hồi. Hơn nữa, để tránh tình trạng bít lỗ chân lông, gây kích ứng, bạn nên lựa chọn sử dụng những loại sản phẩm có kết cấu mỏng và chứa các thành phần dịu nhẹ như: Niacinamide, Vitamin B5, Acid Azelaic,…
5. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng phù hợp
Các vết thương do nặn mụn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ có xu hướng hồi phục chậm, thậm chí có thể bị thâm sạm. Chính vì thế, sau khi lấy nhân mụn, bạn nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhất là các hoạt động ngoài trời như đi bơi, picnic hay đi biển. Khi có việc phải ra ngoài, bạn cần che chắn cẩn thận và sử dụng các loại kem chống nắng dành riêng cho da nhạy cảm, da mụn với chỉ số SPF từ 30 trở lên và PA+++.