Tiêm chủng cho trẻ là việc mà bất kỳ bà mẹ nào cũng đều quan tâm, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Trong đó, các mẹ nên lưu ý kế hoạch chi tiết tiêm chủng, thời điểm, loại vắc xin, loại bệnh… mà con cần được tiêm phòng. Nói cách khác, tiêm chủng có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.
Tiêm vắc xin là gì?
Việc tiêm vắc xin hiểu một cách đơn giản là đưa vào cơ thể một lượng kháng nguyên của virus hoặc vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể khỏe mạnh nhằm tạo ra kháng thể phòng bệnh tương ứng.
Tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ quan trọng như thế nào
Hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ rất yếu, dễ dàng bị tổn thương bởi các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Tức là nếu trẻ tiếp xúc với bất kì nguồn vi khuẩn nào từ người hay động vật khác thì hệ thống miễn dịch ban đầu của trẻ không đủ mạnh để chống lại những tác nhân gây bệnh này. Đặc biệt, trong xã hội hiện nay, mầm bệnh có thể ẩn chứa ở bất kì đâu, gây bệnh bất kì lúc nào.
Việc tiêm chủng lúc này bắt đầu phát huy tác dụng. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin được tạo ra từ các kháng nguyên gây bệnh, giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của trẻ, sản xuất kháng thể và phát triển khả năng miễn dịch giúp trẻ có thể phòng ngừa và chống lại mầm bệnh nguy hiểm như uốn ván, HPV, bại liệt, sởi, viêm màng não và ho gà….
Tiêm chủng không chỉ giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật mà còn góp phần giảm thiểu các rủi ro vì bệnh tật như biến chứng, di chứng, tử vong so với nhóm không tiêm phòng.
Có cần phải tiêm chủng cho trẻ theo lịch?
Tiêm vắc xin đúng lịch giúp cơ thể trẻ phòng các bệnh một cách sớm nhất và hiệu quả nhất.
Nếu mũi tiêm trễ hay không đúng lịch sẽ có những vắc xin sẽ quá hạn và không còn tiêm được. Hoặc khi tiêm trễ hơn so với lịch chuẩn quá xa (tùy loại vắc xin) so với mũi đầu, có thể làm mất hiệu quả phòng bệnh cho trẻ.
Ngoài ra, trong thời gian tiêm chủng trễ thì cơ thể sẽ có lỗ hổng miễn dịch đối với căn bệnh cần phòng ngừa và trẻ sẽ dễ bị bệnh trong thời gian đó.