Tìm hiểu cách nói chuyện với thai nhi giúp con khỏe mạnh, thông minh

Trong thời gian mang thai, việc bố mẹ nói chuyện, đọc sách, nghe nhạc cùng thai nhi là những cách giúp con phát triển hơn về thể chất và trí tuệ.

Khoa học đã chứng minh rằng thai giáo bằng âm thanh, lời nói là phương pháp tốt kích thích thai nhi phát triển khỏe mạnh, thông minh ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, cách trò chuyện với thai nhi như thế nào, cần lưu ý điều gì thì không phải bố mẹ nào cũng nắm rõ.

Bố mẹ nên nói chuyện với thai nhi từ tháng thứ mấy?

Bạn có thể bắt đầu nói chuyện với thai nhi vào bất kỳ lúc nào, nhưng tốt nhất là vào tuần thứ 18 của thai kỳ. Lúc này, bộ phận tai của bé bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn thiện, bé sẽ nghe được nhịp đập từ trái tim mẹ hay âm thanh máu chảy qua dây rốn.

Đến khoảng tuần thai thứ 25 của thai kỳ, thai nhi đã có thể nghe rõ được tiếng của bố mẹ và những người xung quanh. Vào tuần thứ 27, một số thai nhi còn phân biệt được giọng bố, giọng mẹ và giọng người lạ.

Mọi âm thanh sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim cũng như sự chuyển động của thai nhi. Đồng thời, bé cũng cảm nhận được tình cảm của bố mẹ dành cho mình. Bé cưng đã biết chú ý, ghi nhớ và học hỏi về mọi thứ xung quanh ngay từ trong bụng mẹ.

Cách nói chuyện với thai nhi như thế nào cho đúng?

Lần đầu được làm bố, làm mẹ, không thể không tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng, bối rối khi trò chuyện với con. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn không biết cách nói thế nào, nói chuyện gì với con.

Nói chuyện với thai nhi không chỉ gói gọn trong lời thủ thỉ, tâm tình, mà còn là những câu chuyện, bản nhạc hay, phù hợp giúp kích thích trí não bé phát triển:

Đọc sách, truyện cho bé nghe

Đây là một cách nói chuyện với thai nhi giúp bé rèn luyện khả năng ngôn ngữ, phát triển trí tưởng tượng,… Bố mẹ nên đọc cho bé nghe truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, đồng dao, thơ có vần điệu,…

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, nếu bố mẹ thường xuyên đọc sách cho con thì sẽ giúp con kích thích trí não phát triển vượt trội. Đây cũng là tiền đề cho việc sau này bé nhanh chóng hiểu được ngôn từ, sắp xếp câu chữ dễ dàng vì tư duy ngôn ngữ của bé đã được hình thành trong bụng mẹ.

Trò chuyện cùng bé

Bố mẹ hãy thường xuyên nói với bé rằng “Bố mẹ yêu con”, kể cho bé nghe những công việc thường ngày, hỏi xem bé có khỏe không, kể chi tiết công việc bạn đang làm, hôm nay mẹ hay bố đã mua sắm món đồ gì cho bé,…

Những câu chuyện tuy đơn giản nhưng sẽ giúp bé hình thành tư duy, phát triển khỏe mạnh, cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến, tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ vô hình giữa bé và bố mẹ.

“Nói chuyện” bằng âm nhạc

Bố mẹ không cần đợi đến khi bé chào đời mới hát ru, mà hãy hát cho bé ngay khi còn trong bụng mẹ. Những câu hát ru nhẹ nhàng, du dương sẽ tạo cho bé cảm giác an toàn, gần gũi.

Đặc biệt, bố mẹ đừng quên cho bé nghe những bản nhạc giao hưởng, nhẹ nhàng giúp kích thích sự phát triển về trí não. Một số bản nhạc cổ điển điển hình như: Baby Chopin, Baby Schubert, Pháp màu nhiệm của con, Baby Bach, Beethoven- vol 2, Baby Mozart,…

Âm nhạc có khả năng giúp bé phát triển năng khiếu nghệ thuật, nhận biết cảm xúc, kích thích tư duy, sự nhạy cảm,…

Những lưu ý bố mẹ cần nhớ khi trò chuyện với thai nhi

Để bé có thể cảm nhận được tình yêu thương, học hỏi những điều tích cực, trong lúc trò chuyện với thai nhi, bố mẹ cần chú ý những điều sau:

  • Giữ cho tâm trạng thoải mái, vui vẻ: Điều này sẽ giúp bé luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc, nguồn năng lượng tích cực. Nguyên nhân là nếu bố mẹ trò chuyện trong lúc bực bội, buồn rầu thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của bé.
  • Nói to, rõ ràng: Như vậy thì bé mới biết được là bạn đang trò chuyện cùng bé. Âm lượng khi trò chuyện phải đủ lớn để một người khác trong nhà cũng nghe được.
  • Xoa bụng: Trước khi trò chuyện, mẹ hãy xoa bụng để “đánh thức” khả năng liên lạc giữa mẹ và bé. Đây cũng là một cách chơi với thai nhi để bé phát triển toàn diện hơn. Bố mẹ hãy nhẹ nhàng xoa lên bụng theo hình tròn rồi xoa tiếp sang hai bên mạn sườn. Lưu ý là nên dùng cả bàn tay để xoa, mỗi tuần chỉ xoa 2 lần, mỗi lần khoảng 3 – 5 phút. Tuy nhiên, vào 2 tháng cuối thai kỳ, bố mẹ không nên thực hiện điều này.
  • Khi trò chuyện với bé, mẹ nên ngồi tựa lưng hoặc nằm nghiêng để tạo cảm giác thoải mái, thư giãn cho cơ thể.
  • Thời điểm thích hợp nhất để nói chuyện là buổi tối. Đây là thời gian rảnh rỗi, thư thái trong ngày để bố và mẹ có thể cùng nhau trò chuyện với con. Điều này giúp bé cảm nhận được sự gắn kết, tình yêu thương gia đình.
  • Mẹ có thể thủ thỉ với bé vào bất kỳ thời gian nào trong ngày và bao lâu tùy thích. Nếu bố mẹ cố định vào một khung giờ để trò chuyện thì bé sẽ hình thành nên một thói quen mỗi ngày.

Bố mẹ hãy thực hiện những cách nói chuyện với thai nhi như trên để giúp bé cưng phát triển toàn diện về cả trí tuệ và cảm xúc. Quan trọng nhất là khi trò chuyện cùng thai nhi, tình cảm giữa bố mẹ và thiên thần nhỏ đáng yêu như được một sợi dây vô hình kết nối chặt chẽ.