7 trường hợp không nên ăn ngô

Ngô (hay bắp) được mệnh danh là “vua của các loại ngũ cốc” không chỉ vì mùi vị thơm ngon mà đây còn là loại ngũ cốc nguyên hạt rất bổ dưỡng. Vào mùa đông, các món ăn được chế biến từ ngô như ngô luộc, ngô nướng lại được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra một số trường hợp không nên ăn loại thực phẩm này.

Ngô (hay bắp) được mệnh danh là “vua của các loại ngũ cốc”

Chen Qiaoming, phó giám đốc điều hành Quỹ Dinh dưỡng Đài Loan từng chỉ ra rằng ngô rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein, zeaxanthin, α-carotene, sắt, canxi, magiê, kali, và các khoáng chất. Mật độ dinh dưỡng của ngô cao gấp 6 lần gạo tẻ, có thể coi đây là loại thực phẩm thay thế gạo tẻ.

Ngô có thành phần dinh dưỡng phong phú, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Với thành phần dinh dưỡng phong phú như vậy, ngô mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe:

– Canxi: Mỗi 100gr ngô có thể cung cấp gần 300mg canxi, gần bằng lượng canxi có trong các sản phẩm từ sữa, hỗ trợ làm giảm huyết áp.

– Glutathione: Đây là một dưỡng chất có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cộng thêm sự tham gia của selen có thể tạo ra glutathione oxidase có chức năng trì hoãn sự lão hóa.

– Carotene: Sau khi được cơ thể hấp thụ, carotene có thể chuyển hóa thành vitamin A, góp phần phòng chống ung thư. Ngoài ra, cellulose thực vật trong ngô có thể đẩy nhanh quá trình đào thải chất gây ung thư và các chất độc khác ra khỏi cơ thể.

– Vitamin E: Vitamin E tự nhiên trong ngô có khả năng thúc đẩy phân chia tế bào, trì hoãn sự lão hóa, giảm cholesterol, ngăn ngừa các bệnh ngoài da, giảm xơ cứng động mạch và suy giảm chức năng não.

– Lutein và zeaxanthin: Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) là một bệnh về mắt do nguyên nhân lão hóa, nghiêm trọng hơn có thể gây mất thị lực. Hấp thụ nhiều lutein và zeaxanthin thông qua việc ăn ngô có thể làm giảm 43% nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn ngô

7 trường hợp không nên ăn nhiều ngô

– Người thiếu canxi, sắt và các nguyên tố khác:  Ngũ cốc thô chứa axit phytic và chất xơ kết hợp với nhau sẽ tạo thành chất kết tủa, cản trở quá trình hấp thụ khoáng chất của cơ thể.

– Người mắc các bệnh về tiêu hóa: Người bị xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản hoặc loét dạ dày, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt dễ gây vỡ tĩnh mạch và chảy máu do loét.

– Người bị suy yếu khả năng miễn dịch: Nếu lượng cellulose hàng ngày vượt quá 50gr trong thời gian dài sẽ cản trở việc bổ sung protein, giảm sử dụng chất béo, gây tổn thương chức năng của xương, tim, máu và các cơ quan khác, đồng thời giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thanh thiếu niên trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển không nên ăn nhiều ngô

– Người hoạt động thể chất nặng: Ngũ cốc thô có giá trị dinh dưỡng và cung cấp năng lượng thấp, không đủ cho những người lao động nặng hoặc hoạt động thể chất nhiều.

– Thanh thiếu niên trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển: Cơ thể ở độ tuổi này có các yêu cầu đặc biệt về chất dinh dưỡng và năng lượng đảm bảo cho sự tăng trưởng, phát triển cũng như các yêu cầu sinh lý đối với lượng hormone, trong khi ngũ cốc thô không chỉ cản trở sự hấp thụ cholesterol và chuyển hóa thành hormone mà còn làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng.

– Người già và trẻ em: Bởi vì chức năng tiêu hóa của người già bị suy giảm, và chức năng tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên việc tiêu hóa một lượng lớn chất xơ trong thực phẩm là gánh nặng lớn cho đường tiêu hóa. Hơn nữa, việc hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng tương đối thấp, không có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

– Người có chức năng tiêu hóa kém nếu ăn quá nhiều chất xơ cũng sẽ là gánh nặng lớn cho đường tiêu hóa.