Mục Lục
Vào mùa đông, khi thời tiết lạnh giá, nếu chị em phụ nữ không vệ sinh đúng cách, đặc biệt là có những thói quen không tốt khiến vi khuẩn và vi nấm sinh sôi có thể gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa rất khó chữa khỏi.
1. Ăn mặc quá phong phanh
Ngay cả khi trời lạnh, nhiều chị em phụ nữ vẫn muốn diện những bộ váy ngắn, hay quần áo ngắn để tôn lên “đường cong quyến rũ” của cơ thể. Điều này rất dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, biểu hiện như chân tay lạnh, đồng thời gián tiếp khiến tử cung bị lạnh.
Đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt, nếu để cơ thể lạnh sẽ làm tăng nguy cơ đau bụng kinh. Hơn nữa, còn khiến phụ nữ bị lãnh cảm, thiếu ham muốn tình dục. Tình trạng tử cung lạnh cũng dễ dẫn đến tăng tiết dịch âm đạo, suy giảm môi trường vệ sinh trong âm đạo, từ đó dễ dẫn đến các bệnh như viêm vùng chậu, viêm nhiễm âm đạo.
Bên cạnh đó, trời mùa đông thường ít nắng, quần áo lâu khô, nếu không chú ý, mặc quần áo ẩm cũng sẽ rất nguy hiểm. Bởi môi trường ẩm ướt sẽ thúc đẩy các vi khuẩn gây bệnh “vùng kín” sinh sôi và phát triển, dẫn tới viêm nhiễm. Lời khuyên cho chị em trong mùa đông là nên cẩn thận hơn khi giặt và phơi quần áo, đặc biệt là đồ lót, hãy đảm bảo quần áo đã thực sự khô khi mặc.
2. Mặc quần áo quá dày, bó sát
Một số người vì giữ ấm nên mặc rất nhiều quần áo, đặc biệt là mặc quần bó sát như các loại quần tất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh “vùng kín”. Nguyên nhân là do những kiểu quần bó thường cọ xát liên tục vào “vùng kín” dễ gây kích ứng da vì vùng này rất nhạy cảm, gây ngứa ngáy khó chịu. Quần chật còn gây bí bách, kém thông thoáng, khiến cho các yếu tố nguy cơ gây bệnh như vi khuẩn có cơ hội tấn công và phát triển mạnh hơn.
Từ đó có thể dẫn tới nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, gây nên các bệnh viêm âm đạo do tạp khuẩn, viêm âm đạo do nấm, viêm âm đạo do nấm trichomonas, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến viêm vùng chậu, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu… Nếu không có biện pháp điều trị sớm, các bệnh này có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới vô sinh.
Trời lạnh, nhiều người có thói quen dùng nước quá nóng để vệ sinh “vùng kín”. Mặc dù nhiệt độ nước như vậy có thể khiến chị em cảm thấy ấm áp nhưng vẫn có những ảnh hưởng không tốt tới bộ phận sinh dục. Nước quá nóng khiến cho da “cô bé” bị khô, chị em phụ nữ chỉ nên sử dụng nước ấm dưới 30 độ C để vệ sinh khu vực này.
3. Mắc bệnh phụ khoa do ăn đồ lạnh
Mùa đông, hầu hết mọi người đều thích ăn đồ ăn nóng, có tác dụng giữ ấm và thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có những chị em có thói quen ăn uống đồ lạnh vào mùa đông như kem, nước ngọt lạnh…
Việc ăn quá nhiều đồ lạnh trong mùa đông rất dễ gây khó chịu cho dạ dày. Đặc biệt là đối với những chị em phụ nữ sắp đến chu kỳ kinh nguyệt, nếu ăn uống thất thường như vậy có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều, làm tăng tình trạng đau bụng kinh, về lâu dài rất dễ mắc các bệnh phụ khoa.
Cách phòng tránh bệnh phụ khoa vào mùa đông
- Giữ ấm phần thân dưới: Phần thân dưới nếu không được giữ ấm, hơi lạnh xâm nhập sẽ gây ra các bệnh phụ khoa như tử cung lạnh, viêm cổ tử cung. Do đó, chị em phụ nữ nên mặc quần áo đủ ấm để bảo vệ sức khỏe mùa đông.
- Giữ “vùng kín” khô ráo: “Vùng kín” quá ẩm ướt dễ dẫn đến viêm âm đạo do nấm. Hạn chế tối đa việc sử dụng băng vệ sinh hàng ngày hoặc mặc quần lót quá chật và dày, cần giữ cho khu vực nhạy cảm luôn khô ráo, thoáng khí.
- Thường xuyên thay và giặt quần áo lót: Vào mùa đông, nhiều chị em ngại vệ sinh “vùng kín”, không thường xuyên thay quần lót. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Vì vậy, ngoài việc thay quần lót thường xuyên, chị em phụ nữ cần giặt quần lót sạch sẽ, phơi ngoài trời ở nơi có không gian thông thoáng và nếu quần áo lâu khô, chúng ta có thể nhờ tới sự trợ giúp của máy sấy.
- Hình thành thói quen sống tốt: Về chế độ ăn uống, chị em phụ nữ không những phải đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, chú ý không ăn quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm quá cay, mà còn phải chú ý nghỉ ngơi, không nên thức khuya. Duy trì những thói quen sinh hoạt này rất có ích cho việc điều hòa kinh nguyệt và giảm nguy cơ mắc một số bệnh phụ khoa.