“Bắt” bệnh qua triệu chứng thường xuyên tê bì chân tay

Tê nhức ở chân tay là bệnh lý mà bất cứ ai đều có thể bị mắc phải. Nếu cảm thấy tê bì chân tay thường xuyên và không có dấu hiệu khỏi thì người bệnh cần phải đi khám để xác định đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm khó lường về sau.

1. Tê bì chân tay là biểu hiện của bệnh gì?

Tình trạng tê bì chân tay thường bắt đầu với các triệu chứng nhẹ nhàng như tê đầu ngón tay, chân, cảm giác châm chích. Các triệu chứng này có thể trở nặng và kéo dài, đồng thời, đau tê bì dần lan rộng dọc cánh tay, bàn chân gây ảnh hưởng đến việc cử động cho người bệnh. Triệu chứng tê bì chân tay thường xuất hiện ở ngón chân, bàn chân, tay, cánh tay, bả vai, đùi, mông, vùng thắt lưng,…

Khi mắc phải, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, đôi khi mất đi cảm giác, có lúc lại đau đớn. Tất cả phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người. Tuỳ vào nguyên nhân gây ra tình trạng tê bì chân tay mà người bệnh còn có các dấu hiệu đi kèm như đau vai gáy, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, đau dọc đường dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm. Thậm chí, người bệnh còn có khả năng bị liệt vận động với biểu hiện như ăn nhiều nhưng sụt cân không kiểm soát,…

2. Những nguyên nhân gây ra tình trạng thường xuyên tê bì chân tay

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tê bì chân tay thường xuyên là do người bệnh ít vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, cộng thêm áp lực cuộc sống,…

Bên cạnh đó, tê bì chân tay thường xuyên còn do một số nguyên nhân sau:

  • Phụ nữ mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ thường có triệu chứng tê bì chân tay do thai chèn ép các mạch máu, dây thần kinh, gây trở ngại cho việc tuần hoàn máu. 
  • Khi duy trì một tư thế quá lâu, trong lúc ngủ bị chèn ép, thực hiện các động tác ngồi xổm, đứng lâu sẽ bị tê bì tay chân thường xuyên. Nguyên nhân do mạch máu và thần kinh bị chèn ép, khiến máu khó lưu thông dẫn đến tê bì chân tay. Các tư thế đứng ngồi, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi liên tục,… đều là các nguyên nhân dẫn đến tê nhức chân tay.
  • Một số trường hợp tê bì chân tay do thời tiết thay đổi, đặc biệt khi giao mùa, trời lạnh, gây rối loạn cảm giác.
  • Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây tê bì chân tay.
  • Người mắc bệnh đái tháo đường thường có triệu chứng tê nhức chân tay do biến chứng của bệnh.

3. Chẩn đoán và phòng ngừa bệnh tê bì chân tay thường xuyên

Người bệnh cần được khám lâm sàng, cận lâm sàng để tìm ra chính xác nguyên nhân của bệnh. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ khai thác các thông tin lâm sàng, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để tìm ra những dấu hiệu bất thường, từ đó tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng tê bì chân tay thường xuyên. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được định hướng điều trị theo đúng phương pháp, hiệu quả và kịp thời. Ngoài ra, chúng ta cũng nên trang bị kiến thức phòng ngừa bệnh tê bì chân tay thường xuyên như:

  • Tăng cường vận đồng cơ thể, tập thể dục thường xuyên.
  • Chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, bổ sung đầy đủ các vi chất.
  • Hạn chế ngồi một tư thế quá lâu, không vận động, dãn cơ.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Giữ ấm cho tay chân khi chuyển mùa, nhất là vào mùa đông.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch,…, cần phải đi khám kịp thời ngay khi có triệu chứng tê bì chân tay thường xuyên để tránh hậu quả đáng tiếc.