“Thực phẩm màu đen” tuy nghe có vẻ không quen thuộc, nhưng chúng có tầm quan trọng và lợi ích không hề thua kém thực phẩm màu xanh lá cây hay màu đỏ. Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, anthocyanins – một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng “tạo” màu phong phú cho nhiều loại trái cây và rau quả như đỏ, tím, xanh và đặc biệt là màu đen – có tác dụng chống ung thư, phòng chống tiểu đường, kháng khuẩn, chống viêm và chống béo phì. Thực phẩm giàu anthocyanin cũng được sử dụng với số lượng lớn để điều trị một số bệnh.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Y học Cổ truyền, những thực phẩm màu đen đem lại nhiều lợi ích sức khỏe và là loại thực phẩm không thể thiếu vào mùa đông. Màu đen là một trong năm loại màu cơ bản của Ngũ hành, thuộc hành Thủy, ứng với mùa đông, đi vào thận tạng. Y học Cổ truyền công nhận thận là gốc rễ của nhân thể, chứa chân âm và chân dương. Thực phẩm màu đen khi đi vào thận có tác dụng bồi bổ thận âm và thận dương. Nên tăng cường dùng thực phẩm màu đen để bồi bổ, cân bằng, giúp cơ thể khỏe mạnh suốt mùa đông.
Bạn nên ghi nhớ danh sách những thực phẩm màu đen dưới đây để bổ sung ngay vào chế độ dinh dưỡng của mình:
Gạo đen
Gạo đen có tác dụng chống oxy hóa, có khả năng chống viêm, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và xơ vữa động mạch. Sự hiện diện của chất chống oxy hóa – anthocyanin – đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng tránh những chứng bệnh nguy hiểm này. Đây cũng là thành phần giúp bảo vệ hệ thần kinh, chống thiếu máu não.
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định thêm, màu của gạo càng đậm thì hiệu lực của lớp sắc tố chống lão hóa càng mạnh. Ăn gạo đen thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện giấc ngủ, điều trị hoa mắt, chóng mặt, tóc bạc, đau mỏi eo,… Đồng thời, loại thực phẩm màu đen này cũng có tác dụng bổ máu, giảm đau, chữa lành vết thương nhanh hơn, giúp sản phụ nhanh chóng phục hồi cơ thể sau sinh.
Ô-liu đen
Ô-liu ở dạng quả chín có màu đen tự nhiên do sự tích tụ anthocyanin. Theo Webmd, trong suốt quá trình chín, tổng số hợp chất phenolic trong ô-liu đen tăng gấp đôi so với quả xanh. Điều này làm cho ô-liu đen có khả năng chống lại nhiều căn bệnh như ung thư, rối loạn tim mạch và các bệnh viêm nhiễm.
Hạt tiêu đen
Hạt tiêu đen là một loại gia vị phổ biến, chứa hợp chất hoạt tính gọi là piperine. Hợp chất này giúp giải quyết nhiều vấn đề về đường tiêu hóa và cũng có tác dụng ngăn ngừa nhiều chứng bệnh. Piperine trong hạt tiêu đen cũng đã được chứng minh là có lợi trong việc cải thiện chức năng nhận thức, khả năng miễn dịch và các triệu chứng trầm cảm.
Trà đen
Trà đen có thể dùng để pha chế đồ uống ít calories, thay thế cho nhiều loại đồ uống kém lành mạnh. Chúng chứa nhiều polyphenol như theaflavins, các axit amin, thearubigin cùng nhiều flavonoid và catechin khác, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và cao huyết áp.
Nho đen
Nho đen có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn so với nho đỏ hoặc xanh. Chúng cũng chứa nhiều flavonoid và polyphenol, khiến chúng có vị ngọt, màu sẫm và bổ dưỡng hơn nhiều loại nho khác.
Mâm xôi đen
Quả mâm xôi đen có chứa nhiều anthocyanins và các hợp chất phenolic như flavonols và ellagitannin. Chúng có tác dụng ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh liên quan đến tuổi tác như Alzheimer, các bệnh mãn tính như tiểu đường và các bệnh viêm như viêm khớp.
Rong biển Nori
Rong biển Nori là một loại rau biển ăn được có màu xanh đậm hoặc đen, được tiêu thụ ở nhiều nước châu Á cũng như trên thế giới. Chúng rất giàu axit béo omega-3, chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất, giúp chúng ta giải quyết các vấn đề về tiêu hóa, cân bằng lượng glucose, chức năng tuyến giáp và các bệnh về tim. Đặc biệt, bổ sung rong biển Nori vào thực đơn hằng ngày còn rất tốt cho việc giảm cân.
Đậu lăng đen
Đậu lăng đen chứa một chất chống oxy hóa mạnh được gọi là axit gallic – chiếm 95% tổng số axit hydroxybenzoic có trong loại thực phẩm này. Theo Health, vỏ hạt đậu lăng có chứa một lượng lớn flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ sức khoẻ và làm chậm quá trình lão hoá.
Tỏi đen
Allicin – một hợp chất hoạt tính sinh học mạnh trong tỏi sống bị oxy hóa và chuyển đổi thành các dạng ổn định hơn là S-allyl cysteine (SAC) và S-allyl mercapto cysteine (SAMC) – được tìm thấy trong tỏi đen. Các hợp chất này là chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiểu đường, chống béo phì và bảo vệ hệ thần kinh cực hiệu quả.
Đậu đen
Đậu đen chứa một lượng lớn tinh bột tốt, giúp ổn định đường huyết, ngăn chặn nguy cơ ung thư ruột kết. Nhờ hàm lượng chất xơ cao, chúng được biết đến với tác dụng ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, có khả năng chống oxy hóa và nhiều loại bệnh khác.
Mè đen
Mè đen là một loại thực phẩm màu đen quen thuộc, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim, động mạch, làm giảm mức cholesterol toàn phần và lipid máu. Chúng cũng được biết đến với đặc tính chống lão hóa, chống ung thư và chống viêm. Mè đen cũng cho thấy tác dụng tích cực đối với sức khỏe của thận và xương.
Đậu nành đen
Đậu nành đen được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như đậu phụ, sữa đậu nành,… Các chất phytochemical trong đậu nành đen có giá trị chữa bệnh, giúp ngăn ngừa tiểu đường, ung thư, tổn thương não và bệnh Alzheimer.
Nấm mèo
Nấm mèo đen hay còn gọi là mộc nhĩ đen có tác dụng bảo vệ, chống lại bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh tiêu hóa, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn, giảm lượng cholesterol và tốt sức khỏe của gan. Mộc nhĩ đen đã được sử dụng rộng rãi trong các loại thuốc cổ truyền từ hàng trăm năm nay. Trong Đông y, nấm mèo có công dụng bổ huyết, hoạt huyết, chống ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng máu đông dẫn đến tắc động mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xơ cứng động mạch. Loại thực phẩm màu đen này cũng có công dụng giải độc, làm sạch ruột và dạ dày,…
Ngoài công dụng chữa bệnh, những thực phẩm màu đen kể trên còn có công dụng chống lão hóa cực tốt, giúp bạn sở hữu làn da hồng hào, căng mịn, đặc biệt là vào mùa đông khi da thường có xu hướng trở nên khô ráp và bong tróc. Hãy bổ sung những thực phẩm màu đen vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày để bảo vệ sức khoẻ, ngăn chặn lão hóa, dưỡng nhan.